Giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp dệt may

Cùng với quá trình hội nhập và nhằm thích nghi nhanh chóng với những thay đổi trên thị trường đặc biệt là thị trường Mỹ, doanh nghiệp cần phải nhanh chóng xây dựng các hệ thống thông tin quản lý trong mỗi doanh nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp nên tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của doanh nghiệp nhằm đảm bảo sản xuất đúng lúc, giảm thời gian thiết kế sản phẩm mới; cải tiến công tác quản lý…. Hiện nay, việc ứng dụng ERP (Enterprises Resource Planning) đang được xúc tiến ở nhiều doanh nghiệp, đây chính là bước đi đúng đắn cho quá trình tái cơ cấu công ty. Việc đầu tư cho ERP là chi phí cho cơ sở hạ tầng và các bước thực hiện giống như đầu tư cho một thiết bị mới của doanh nghiệp. Mỗi giải pháp ERP sẽ được khấu hao trong khoảng 5-10 năm nên các doanh nghiệp phải đề xuất một kế hoạch rõ ràng để triển khai, định hình phối hợp hoạt động giữa các bộ phận sản xuất kinh doanh. Hệ thống ERP chỉ thực sự cải thiện được vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp khi các quy trình chuẩn của nó có thể giải quyết được các mối quan hệ với khách hàng, nhà cung cấp, nguyên vật liệu.

Bên cạnh đó, Doanh nghiệp cần khai thác hiệu quả những tiện ích của công nghệ thông tin và đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường, nắm bắt nhanh chóng nhu cầu của khách hàng, tiết kiệm chi phí giao dịch, quảng cáo… thông qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh; tăng cường triển khai các hệ thống quản lý sản xuất – kinh doanh nhằm giảm rủi ro, giảm tỷ lệ sản phẩm kém chất lượng, tiến tới hài hòa hóa với các yêu cầu của thị trường nhập khẩu và tiết kiệm chi phí đầu vào cho sản xuất – kinh doanh.

Doanh nghiệp dệt may TP.HCM hiện nay đang trong quá trình cổ phần hoá mạnh mẽ.Dự kiến đến năm 2008, toàn bộ doanh nghiệp nhà nước trong ngành dệt may sẽ được cổ phần hoá hoàn toàn, đem lại cho ngành một động lực mới phát triển. Cụ thể, những đơn vị trước đây theo mô hình công ty TNHH một thành viên cũng chuyển đổi thành cổ phần hóa. Năm 2007, sẽ gần như cổ phần hóa tất cả đơn vị thành viên. Tuy nhiên, sẽ tùy thuộc vào từng doanh nghiệp cụ thể để quyết định phần vốn của Nhà nước lớn hay nhỏ, chi phối hay không chi phối. Đặc biệt, Nhà nước giữ lại phần vốn chi phối khoảng 70 – 75% tại những đơn vị lớn hoạt động trong lĩnh vực dệt kim, dệt thoi như 3 tổng công ty Việt Tiến, Phong Phú, Dệt may Hà Nội để làm nòng cốt cho toàn ngành.

Likes:
0 0
Views:
302
Article Categories:
Kinh tế

Comments are closed.